Hành trình trượt patin xuyên Việt Nam
NHẬT KÝ TRƯỢT XUYÊN VIỆT
“Đi xuyên Việt bằng giày patin? Không được đâu“
“Làm sao có thể trượt ngoài đường?”
“Rồi mưa thì trượt kiểu gì? Nguy hiểm lắm.”
“Patin mà sao đi xa nổi.”
“TRƯỢT 1 năm mới tới Hà Nội quá”
Hàng loạt câu trả lời ngờ vực của những người bạn khi nghe được ý tưởng điên rồ tường chừng như là không thể “ Đi patin xuyên Việt”.
Câu chuyện bắt đầu vào một ngày tháng 3/2017, khi mà Mạnh 29 tuổi, đang làm việc ở một công ty kinh doanh dụng cụ thể thao, anh gặp tôi ở một sân trượt, nơi chúng tôi vẫn thường hội họp hàng tuần, có khi là hàng ngày ấy chứ và đưa ra một ý tưởng mà theo tôi lúc đầu chỉ là một câu nói đùa cho vui
“ M*! Xạo chó… Toàn nói không, có ông nào dám đâu. Thích thì đi thôi. Tui sao cũng được.”
Đó là câu trả lời nhanh như chớp và cũng đầy ngờ vực của tôi trước câu nói của Mạnh “ Tiến! Đi xuyên Vệt bằng giày patin không?”
Từ lúc lên ý tưởng đến lúc bắt đầu hành trình là 7 tháng, một khoảng thời gian khá dài. Có những khi chúng tôi gặp nhau rồi bàn về chuyến đi rất khí thế. Nhưng rồi ai cũng phải làm việc để sống, có nhiều việc để nghĩ, có nhiều vấn đề phải giải quyết, ý tưởng bắt đầu có dấu hiệu sụp đổ khi mà đến tháng 7 năm 2018 chúng tôi vẫn không ai nói thêm về cái hành trình điên rồ này nữa. Đã nhiều lần tôi nghĩ lại “ Thôi thấy nhiều bất cập quá, hay là từ bỏ đi…”, nhưng không, không thể được, phải giữ vững tinh thần! Thế là tôi và Mạnh cùng nhau lên kế hoạch tập luyện thể lực chuẩn bị cho hành trình.
Kế hoạch chính thức bước vào gai đoạn đầu, CHUẨN BỊ
Chúng tôi đều đặn mỗi tuần 3 ngày, mỗi lần 20km, rồi dần tăng lên 60km/1 ngày.
Cứ thế trong vòng 3 tháng, 4 giờ sáng chúng tôi bắt đầu buổi tập của mình. Chọn thời điểm này là có lý do của nó. Ở Việt Nam không có sân tập dành cho trượt patin tốc độ, nên nơi duy nhất chúng tôi có thể tập là ngoài đường phố. Chúng tôi chọn tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa dọc theo con kênh của thành phố. Một con đường khá đẹp và vắng xe, ý tôi là sáng sớm thôi nhé.
Và đương nhiên mọi chuyện không diễn ra dễ dàng như truyện cổ tích. Chúng tôi không tập luyện chuyên nghiệp đã nhiều năm nên việc lấy lại thể lực và làm quen cho các bó cơ hoạt động một khoảng thời gian dài là khá khó. Nhưng thật may trong thời gian tập luyện này, có một người đã nghe được kế hoạch của chúng tôi và tỏ ra rất hứng thú, HLV PATIN Trần Quân, một người mà theo tôi rất đặc biệt với bộ môn Patin ở Việt Nam, anh là người đã đóng góp rất nhiều tâm huyết cho bộ môn này hơn 10 năm ở Việt Nam và cũng là sếp của Mạnh. Anh bắt đầu tham gia những buổi tập patin cùng chúng tôi và giúp chúng tôi thêm về những bài tập thể lực và hiểu hơn về chế độ dinh dưỡng cho VĐV patin. Nhờ vậy mà thể lực của chúng tôi đã cải thiện một cách đáng kể.
3 tháng cùng nhau tập luyện, cuối cùng anh Quân đưa ra quyết định sẽ gác lại mọi công việc và thực hiện hành trình xuyên Việt bằng giày patin cùng chúng tôi. Wow! Quả là một tin vui. Và còn một tin vui nữa, đó là anh sẽ hỗ trợ nhóm một xe hỗ trợ chở đồ theo. Ban đầu chúng tôi hơi e ngại về điều này. Vì nó tuy có lợi nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi không trọn vẹn ý nghĩa, nhưng rồi ai cũng phải chấp nhận sự thật là có quá nhiều thứ để mang theo một hành trình dài nên chấp nhận có xe hỗ trợ đi cùng.
Vì trong nhóm, tôi là người đi rất nhiều và đã có kinh nghiệm một lần xuyên Việt nên tôi được chọn làm người dẫn đường. Tôi bắt đầu lên kế hoạch liệt kê những địa điểm sẽ đến, hành trình bắt đầu khi nào, kết thúc khi nào,.. Mạnh là người lo về kỹ thuật, anh Quân thì hỗ trợ về sức khỏe, dinh dưỡng cho thành viên trong đoàn.
Và còn 2 thành viên nữa, đó là Tấn(Huy Quach), người chịu trách nhiệm lái xe và ghi lại hình ảnh trên hành trình xuyên Việt bằng patin của chúng tôi.
Tấn cũng là một người chơi patin lâu năm trong CLB của chúng tôi
Còn đây là thành viên cuối cùng, xin được giới thiệu anh Trần Cáp, con của Trần Quân. Chân dài tới nách, mũi dài tám thước, đôi mắt long lanh như tô canh, chỉ cần chớp mắt là khiến vạn người đổ gục.
Có một điều tôi muốn thú thật với các bạn là con số 1800km và hai từ Sài Gòn, Hà Nội chỉ là viết cho hay thôi. Thật ra hành trình xuyên Việt bằng patin của chúng tôi xuất phát từ Long Hải, một thị trấn ven biển tuyệt đẹp cũng là nơi tôi sống từ nhỏ nằm cách Sài Gòn 100km và hành trình kết thúc tại Ninh Bình, cách Hà Nội 90km. Yeah, cuộc sống mà…
Như vậy nếu nói đúng ra thì sẽ là hành trình Long Hải- Ninh Bình 1600km haha
Nhưng thật ra có ở đâu hay bao nhiêu km đi nữa thì đối với tôi cũng không quan trọng. Tôi luôn tâm niệm trong đầu “ Mọi khoảnh khắc, cảm xúc đều nằm trên hành trình ta đi chứ không phải ở cái đích đến mà ta đặt ra, dù bạn có tới được nơi bạn muốn nhưng hành trình của bạn chẳng có gì trên đó thì cũng chẳng có ý nghĩa gì..”. Vậy là ngày định mệnh đó cũng đến, chúng tôi 4 con người, 1 con chó, 1 chiếc xe, 3 đôi giày patin cùng hàng đống đồ cá nhân và vật dụng nấu ăn, lều, dao vân vân và vân vân bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình.
Ngày xuất phát HÀNH TRÌNH TRƯỢT PATIN XUYÊN VIỆT 03/10
Tôi, Mạnh, A.Quân, cả ba đều cảm thấy rất phấn khích trước một hành trình chưa biết có thể đi tới đâu nhưng cũng đầy sự ngờ vực bản thân. “ Liệu có đi nổi hết hành trình không đây?”. Khởi đầu lúc nào cũng quan trọng, nó sẽ giúp bạn có được thêm niềm tin và là bước đệm giúp bạn tiến xa hơn. Sau khi khởi động đầy đủ, tôi hít một hơi thật sâu, đặt đôi chân mình vào giày rồi đứng lên. Cảm thấy tự tin hơn hẳn, dúng là đối đầu với thử thách cảm giác sẽ ta mạnh mẽ hơn là chạy trốn nó nhiều. Gạt hết tất cả suy nghĩ trong đầu chúng tôi vui tươi cùng nhau đập tay lấy tinh thần rồi đẩy nhẹ những bước đà đầu tiên trên con đường ven biển Long Hải.
20km đầu tiên khá ổn, chúng tôi duy trì vận tốc 17-18km/h, trong lòng ai cũng rất vui vì bao lo lắng trước đó đã hoàn toàn bị dập tắt. Trên đường đi qua những khu vực dân cư, rất nhiếu người nhìn chúng tôi như những vật thể lạ.
Đến km 40 thì trời bắt đầu đổ mưa. Nhưng không vì thế mà chúng tôi dừng lại, dân chơi sợ gì mưa rơi hỉ.
Ngày đầu tiên chúng tôi nuốt hẳn gần 100km để đến La Gi nghỉ chân. Thở phào nhẹ nhỏm rồi đặt lưng xuống chiéc giường êm ái. Khò khò..
Ngày hôm sau, Lagi đi vào thành phố Phan Thiết, chúng tôi gặp một đoạn đường mà theo tôi thì “ Khá bẩn cũng khá đuối”.
Ai nghĩ giày patin trượt trên đường này được?Trên đường đến Mũi Né chúng tôi gặp một trở ngại đầu tiên đó là những con dốc cao chót vót. Để vượt qua những con dốc này tôi đã phải dừng nghỉ chân đến 4 lần.
Sau bao phong ba thì cuối cùng chiều hôm đấy chúng tôi đã đến được Mũi Né gặp gỡ người anh em Bình Nguyễn, một VĐV Longboarding, Sandboarding, Surfing mà anh em từng tham gia thi đấu tại Aisan Winter games 2017 – Nhật chung nhau. Tối hôm đó, chúng tôi ăn uống và trò chuyện vui vẻ đủ chuyện trên đời.
Nắng, gió, tốc độ, những con dốc
Biết được hôm sau đoạn đường của chúng tôi đi sẽ có rất nhiều dốc cao, A.Bình liền mang tặng chúng tôi hẳn 4 bộ bao tay Downhill.
Có thể nói trong chuyến hành trình của chúng tôi, đây là đoạn đường đẹp nhất và cũng nhiều dốc nhất. Dưới cái nắng nóng như thiêu đốt của vùng đất Bình Thuận, để lên được dốc mất rất nhiều sức và thời gian, có khi anh em chúng tôi đã gục ngã bên vệ đường, nằm thở thoi thóp như cá mắc cạn, nhưng vì đứa nào cũng lì lợm nên vẫn đứng dậy đi tiếp. Patin hay ở chỗ đó, nó dạy chúng tôi ngã xuống thì phải biết tự đứng dậy để đi tiếp con đường của mình còn nếu không thì bạn sẽ nằm im đó chẳng làm được thêm gì.
Có thể nói cung đường Bàu Trắng từ Mũi Né đi Phan Rí Cửa là con đường đẹp nhất dành cho Patin, hai bên đường rất rộng rãi, vắng xe, cảnh thì một từ thôi “ TUYỆT”, 1 bên là biển, 1 bên là đồi cát cao vút, những con dốc. Leo dốc rất mệt nhưng bù lại đến khi đổ dốc thì phải nói thật sự cảm giác quá tuyệt. Có những lúc tôi đã đạt đến vận tốc 80km/h. Trượt Patin mà 80km/h à? Chuyện thật cứ như đùa nhưng nó là sự thật đấy các bạn. Ở những con dốc đầu có lẽ chưa quen lắm nên anh em ai cũng cố hãm tốc độ lại, nhưng rồi sau đó khi đã quen dần, chúng tôi đã làm đủ kỹ thuật “xé gió” để có thể đạt được vận tốc cực đại. :))
Cắm trại kinh hoàng
Chúng tôi đã có một buổi cắm trại không như ý tại một bờ biển vắng vẻ và nhiều đạo chích. :))
Con đèo gây khó khăn nhất
Nó chính là đèo Cả. Miêu tả nó ư? Dốc cao, cua gắt, đường cực kỳ xấu, xấu đến mức không thể đi. Đã có lúc chúng tôi phải đi với vận tốc của một con ốc sên mới có thể qua được.
Hello Nha Trang. Chúng tôi tới thăm Hiển, một người anh em iSkate lâu năm
Oke fine. Sau nhiều ngày trượt tôi đã gặp chấn thương.
Một buổi sáng thức dậy, không phải suy nghĩ về công việc, lo toan của cuộc sống, bạn hít một hơi thật sâu rồi ngồi đón ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam, xung quanh là biển và những dãy núi hùng vĩ, mọi thứ cứ dần hiện ra khi mặt trời ló dạng như một bức tranh vẽ. Còn gì bằng nữa chứ nhỉ.
Một buổi sáng ngắm bình minh tuyệt đẹp ở cực Đông sau một đêm giông bão lớn
Bóng đêm, đèn pha và tiếng còi xe như ập vào mắt chúng tôi ở đoạn đường đi Qui Nhơn, Bình Định. Hôm này chúng tôi đã tính sai đường và hậu quả là phải “ cày “ đêm đến 11 giờ đêm mới đến được trung tâm thành phố.
Chúng tôi chia tay Tấn, tài xế kiêm quay phim chụp ảnh tại đây, đồng nghĩa kể từ thời điểm này chúng tôi không có nhiều hình ảnh và video nữa. Đa số những hình ảnh từ Đà Nẵng đến Ninh Bình là từ điện thoại và Gopro.
Mạnh chụp ảnh cùng một người bạn học lâu năm gặp lại ở Hiền Lương
“ Đi cái ni được chi? Co được tiền không? Không được tiền đi chi ?“ Một cô tầm 40 đạp xe theo chúng tôi hỏi chuyện suốt quãng đường 2km đi đến Đông Hà
Một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu những trận chiến lịch sử của cha ông ngày xưa
Khám phá hang động ở Phong Nha- Kẻ Bàng
Hành trình cuối cùng của chuyến đi. Vinh – Ninh Bình. Ngày cuối cùng, ai cũng vui tươi và bồi hồi khi mà bao nhiêu nghi ngờ , lo lắng trước đó đã sắp được đập tan bằng ý chí và sức mạnh của chúng tôi. Từ quảng trường Vinh chúng tôi bắt đầu lăn những vòng bánh xe patin xuất phát, trong đầu tôi bất chợt ùa về những hình ảnh của chuyến đi mà tôi đã trải qua gần 1 tháng qua, nào là vượt dốc Bàu trắng đầy gian nan, tai nạn ở cua ngã ba Tân Phong, đêm cắm trại sinh tử ở Mũi Đại Lãnh, bình minh tuyệt đẹp của mũi cực Đông, bắt ghẹ ở biển Bình Tiên, gian nan đèo Cả, bạn bè ở khắp nơi đi qua…
Ôi bao nhiêu thứ để kể cho bạn bè, người thân sau chuyến đi này. Tôi thầm nghĩ điều này thật tuyệt vời, Đây đúng là một món quà trong cuộc đời chúng tôi và chỉ có chúng tôi mới có thể mang lại cho mình điều kỳ diệu như vậy cho mình.
TP.HCM, năm 2019, ngồi xem hình nhớ quá chuyến đi nên viết vài dòng ngoặc nghẽo chưa ra hồn. Còn nhiều thứ để kể nhưng tác giả lười không kể hết. :))
Video trượt patin xuyên Việt: https://www.youtube.com/watch?v=3b-6hAZoJ6o
Xem thêm bài viết liên quan
>> Chọn size giày patin phù hợp nhất
>> Hành trình trượt patin xuyên Việt Nam
>> Đọc hiểu thông số giày trượt